Home Năng lượng Việt Nam cần kế thừa nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân
Việt Nam cần kế thừa nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân

Việt Nam cần kế thừa nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân

by tranthang
11 views

Sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) nhất trí khởi động lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân, gần đây trên công luận có nhiều ý kiến bày tỏ các quan điểm khác nhau về các vấn đề liên quan đến điện hạt nhân. Trong đó có ý nêu ra không có cơ sở, thiếu thông tin và không chính xác.

Để bạn đọc có thêm thông tin đa chiều, Sao Mai News tóm tắt những công việc đã thực hiện cho đến thời điểm (cuối năm 2016) về quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, lựa chọn, đánh giá công nghệ và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Đây là những thông tin có thể giúp các cơ quan chức năng tham khảo, lựa chọn khi quyết định khởi động lại các dự án điện hạt nhân.

ngày 12/9/2024, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân (ĐHN) của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển nguồn điện này tại Việt Nam nhằm bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Việc phát triển ĐHN cũng đã được Bộ Công Thương báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương và cho phép bổ sung sửa đổi các nội dung về ĐHN trong các bộ luật liên quan trình Quốc hội ban hành, đồng thời với việc bổ sung ĐHN vào Quy hoạch VIII, ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn điện này trong thời gian sắp tới.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân:

Tìm địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN được coi là quan trọng nhất, bảo đảm cho nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an ninh cung cấp điện năng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình lựa chọn địa điểm, hàng loạt các vấn đề về kinh tế – kỹ thuật; kinh tế – xã hội – môi trường được đặt ra phải giải quyết.

Từ nhiều vị trí nghiên cứu, khảo sát ban đầu được tổng hợp báo cáo, ngày 17/6/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 906/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, trong 8 địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN, 2 vị trí tại Ninh Thuận được “chốt” là nơi đặt 2 nhà máy ĐHN đầu tiên. Đây là các địa điểm sau khi nghiên cứu được đánh giá là tiềm năng, an toàn nhất so với các địa điểm khác.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XII đã thông qua chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25 tháng 11 năm 2009. Trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 460/TTg-KTN ngày 18 tháng 3 năm 2010 về Kế hoạch tổng thể thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phân chia dự án thành 7 dự án thành phần và 2 đề án.

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1:

Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác xây dựng nhà máy ĐHN trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 9/2/2011. Hiệp định tín dụng về hợp tác xây dựng nhà máy ĐHN giữa 2 Chính phủ đã được ký kết ngày 21/11/2011 (kể cả phần viện trợ không hoàn lại dành cho việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư khoảng 765 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu: Dịch vụ tư vấn lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư Nhà máy ĐHN Ninh thuận 1 cho Nhà thầu liên danh JSC “E4 Group” (Liên bang Nga) – JSC KIEP (Ukraine) – EPT LLC (Liên bang Nga). Ngày 21/11/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng nhà thầu liên danh đã tổ chức ký hợp đồng.

Nhà thầu tư vấn Liên danh E4-KIEP-EPT đã hoàn thành và bàn giao hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư (SAD&FS) bản tiếng Anh vào cuối tháng 12 năm 2013.

Các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai các đề tài độc lập cấp nhà nước về địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 với sự hỗ trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Các đề tài này nhằm đưa ra những nghiên cứu độc lập của các chuyên gia Việt Nam về các vấn đề đang đặt ra đối với các địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy ĐHN đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần.

Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của dự án đã được gửi đến các bộ, ngành đề nghị thẩm định theo quy định.

Đầu tháng 9 năm 2015, EVN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án với tiến độ dự kiến đưa tổ máy số 1 và số 2 vào vận hành thương mại lần lượt vào năm 2028 và 2029.

Cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng các nhà máy ĐHN đã được trình Bộ Chính trị.

Các kết quả chính về an toàn hạt nhân:

1. Về địa điểm: Rút kinh nghiệm từ bài học sự cố Fukushima, để tránh rủi ro về sóng thần, tư vấn E4 đã lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy (tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) với cao trình đặt nhà máy chính là 12 m so với mực nước biển và đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Việt Nam, Liên bang Nga và IAEA về an toàn địa điểm bao gồm động đất, sóng thần.

2. Về công nghệ: Công nghệ được lựa chọn là AES-2006, thế hệ III+, đáp ứng yêu cầu cao nhất về an toàn, hiện đại nhất theo Nghị quyết Quốc hội. Thiết kế các hệ thống an toàn theo nguyên lý chủ động và thụ động bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành nhà máy.

3. Về tiêu chí an toàn cao: Xác suất hư hỏng nặng vùng hoạt không vượt quá 1 phần triệu trên 1 lò phản ứng-năm – 10-6/lò phản ứng-năm (xác suất hư hỏng vùng hoạt theo khuyến cáo của IAEA là 10-5/lò phản ứng-năm); xác suất rò rỉ phóng xạ ra môi trường không vượt quá 10-7/lò phản ứng-năm. (Xác suất rò rỉ phóng xạ ra môi trường theo khuyến cáo của IAEA là 10-6/lò phản ứng-năm).

Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2:

Thỏa thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về hợp tác xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Y.Nô-đa ký tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 31/10/2011.

EVN đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư với Công ty Điện hạt nhân Nhật Bản (JAPC) ngày 28/9/2011. Chi phí lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ (khoảng 600 tỷ đồng), thông qua Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) trả trực tiếp cho JAPC.

Về hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan và yêu cầu của EVN, JAPC đã thực hiện khảo sát bổ sung lần 2 để làm rõ điều kiện địa chất, tính toán địa chấn tại địa điểm. EVN đã trao đổi với JAPC về an toàn địa điểm, lựa chọn công nghệ thế hệ III+… để hoàn thiện hồ sơ và tổ chức thẩm tra, trình duyệt.

Các kết quả chính về an toàn hạt nhân:

1. Về địa điểm: Trên cơ sở số liệu khảo sát địa điểm và bài học kinh nghiệm rút ra sau sự cố NMĐHN Fukushima, tư vấn JAPC đã lựa chọn địa điểm (tại xã Ninh Phước, huyện Ninh Hải) với cao trình khu vực nhà máy chính là 15 m so với mực nước biển để đảm bảo an toàn về sóng thần.

2. Về công nghệ: Có 2 công nghệ được xem xét:

– Công nghệ AP1000: Là công nghệ mới, hiện đại, thế hệ III+, đảm bảo an toàn ở mức độ cao, đáp ứng các yêu cầu an toàn hậu Fukushima, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn của Cơ quan Pháp quy Hoa Kỳ và IAEA. Trong trường hợp xảy ra sự cố cực đoan, lò phản ứng được thiết kế để lưu giữ nhiên liệu nóng chảy ở đáy thùng lò và được làm mát bởi các hệ thống cấp nước thụ động. Chỉ số an toàn của công nghệ AP1000 theo số liệu của tư vấn JAPC: Xác suất hư hỏng nặng vùng hoạt không vượt quá 2.10-7/lò phản ứng-năm; xác suất rò rỉ phóng xạ ra môi trường không vượt quá 1,1.10-10/lò phản ứng-năm.

– Công nghệ ATMEA1: Là công nghệ mới thế hệ III+, hiện đại, có các hệ thống an toàn để đối phó với sự cố nghiêm trọng, với sự cố kiểu Fukushima, đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố trong và ngoài thiết kế. Công nghệ này còn được trang bị hệ thống bẫy vùng hoạt (core-catcher) để không xảy ra phát tán phóng xạ môi trường trong trường hợp nghiêm trọng nhất. Chỉ số an toàn của công nghệ ATMEA1 theo số liệu của tư vấn JAPC: Xác suất hư hỏng nặng vùng hoạt không vượt quá 6,7.10-8/lò phản ứng-năm; xác suất rò rỉ phóng xạ ra môi trường không vượt quá 9,9.10-9/lò phản ứng-năm.

Một vài quan điểm trên công luận:

1. “Bây giờ nếu nói trở lại điện hạt nhân, ý kiến dứt khoát của tôi là không dùng điện hạt nhân như trước đây đã từng dự định làm ở Phan Rang theo mô hình các nhà máy thế hệ 3+, dùng công nghệ của Nga và của Nhật, rất là tốn kém, giải pháp về an toàn thì rất tốt, nhưng không cần thiết’’.

2. “Nhiều quốc gia như Nga cũng bắt đầu chuyển từ điện hạt nhân quy mô lớn sang làm điện hạt nhân quy mô, công suất nhỏ có giá thành thấp hơn. Việt Nam khôi phục điện hạt nhân nhưng cần phát triển điện hạt nhân kiểu mới, phù hợp với điều kiện của đất nước’’.

3. “Điện hạt nhân hiện nay phải quan niệm khác xưa. Năm 2016, dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận áp dụng công nghệ của Nga và Nhật Bản – hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân, nhưng hiện nay, thế giới không còn áp dụng’’…

Các lập luận trên là chưa chính xác, thiếu thông tin và thiếu căn cứ khoa học:

1. Về Hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư của các dự án ĐHN đã được các liên danh tư vấn đánh giá kỹ lưỡng, đồng thời các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai các đề tài độc lập cấp nhà nước về địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 để khẳng định thêm tính an toàn liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần. Nếu chúng ta không tận dụng thì sẽ lãng phí về tiền của, thời gian (khoảng 4-5 năm) cho tìm kiếm, lập hồ sơ phê duyệt được địa điểm mới, sẽ ảnh hưởng đến cơ hội và an ninh năng lượng.

2. Về vấn đề công nghệ ĐHN (theo số liệu của IAEA): Tính đến tháng 10/2024 trên thế giới có 63 lò ứng hạt nhân đang xây dựng, tổng công suất 66.100 MWe. Phân theo loại công nghệ, thì PWR có 55 tổ máy/60.133MWe; PHWR có 2 tổ máy/1.260 MWe; FBR có 4 lò phản ứng/2.054 MWe và BWR có 2 lò phản ứng/2.653 MWe.

Trong 3 năm 2022 đến 10/2024 trên thế giới khởi công xây dựng các tổ máy ĐHN tương ứng là 8 tổ máy/9.313 MWe; 6 tổ máy/6.858 MWe và 8 tổ máy/9.048 MWe.

Một số quốc gia mới xây dựng và đang vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên (đều sử dụng công nghệ PWR thế hệ III+), cụ thể là:

– Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất với 4 tổ máy APR 1400 của Hàn Quốc, đã vận hành thương mại vào các tháng 8/ 2020, tháng 9/2021, tháng 10/ 2022 và ngày 23/3/2024. Sản lượng điện hạt nhân năm 2023 chiếm 19,7 %.

– Belarus với 2 tổ máy AES-2006 (V-491) của Nga đã vận hành thương mại vào tháng 11/2020 và tháng 5/2023, sản lượng điện hạt nhân năm 2023 chiếm 28,6%.

– Bangladesh với 2 tổ máy AES-2006 (V-392M) của Nga bắt đầu khởi công xây dựng tháng 12/2017 và tháng 7/2018.

– Thổ Nhĩ Kỳ với 4 tổ máy VVER (V-509) của Nga, bắt đầu khởi công xây dựng các tổ máy vào tháng 4/2018, tháng 4/2020, tháng 3/2021 và tháng 4/2022.

– Ai Cập với 4 tổ máy VVER 1200 của Nga, bắt đầu khởi công xây dựng các tổ máy vào tháng 7/2022, tháng 11/2022, tháng 5/2023 và tháng 1/2024.

Qua thống kê trên đã khẳng định lập luận: “Năm 2016, dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận áp dụng công nghệ của Nga và Nhật Bản – hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân, nhưng hiện nay, thế giới không còn áp dụng” là hoàn toàn không chính xác.

Mặc dù suất đầu tư ban đầu với ĐHN cao, nhưng xét về hiệu quả tổng thể (các tổ máy xây dựng tiếp theo sẽ tối ưu hiệu quả và có giá rẻ hơn), kéo theo các lợi ích kép về phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, chúng ta có thể khởi động lại dự án ĐHN Ninh Thuận để tận dụng những thành quả đã nghiên cứu. Nếu đưa về cùng mặt bằng, theo lời chuyên gia “ĐHN công suất nhỏ (chưa được thương mại hóa) giá thành rẻ hơn ĐHN công suất lớn (đã được thương mại hóa)” là không có căn cứ.

Tóm lại, có thể thấy thiết kế của công nghệ ĐHN dự kiến sử dụng cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 là các thiết kế tiên tiến, hiện đại, thế hệ III+ đến thời điểm này đã được kiểm chứng theo tiêu chí của Quốc hội, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện nay. Các tai nạn như kiểu Chernobyl và Fukushima đã được tính đến để không thể xảy ra. Đối với vấn đề phòng chống khủng bố, nhà máy ĐHN là công trình được thiết kế vững chắc nhất trong việc chống lại các loại khủng bố, kể cả máy bay đâm.

Các lập luận của các chuyên gia nêu trên có ý đi ngược tiêu chí của Quốc hội. Có ý nêu ra không có cơ sở, thiếu thông tin và không chính xác. Với các ý trên sẽ gây khó khăn trong công tác tuyên truyền sự đồng thuận của công chúng khi Quốc hội cho chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân.

Related Posts

Leave a Comment